CHẤT TẠO NẠC TRONG CHĂN NUÔI-NỖI LO CỦA NHỮNG NGƯỜI LÀM ĂN CHÂN CHÍNH

Những ngày đầu tháng 8/2015, Chi cục Thú y Đồng Nai vừa phát hiện thêm 14 trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn có sử dụng chất cấm  thuộc nhóm beta-agonist trong chăn nuôi. Thông tin về chất tạo nạc cho heo đang khiến người tiêu dùng hoang mang, ra chợ không biết mua gì để ăn cho an toàn, còn tiểu thương và người chăn nuôi chân chính thì điêu đứng. Chúng tôi kính mời bạn đọc cùng tìm hiểu về vấn đề này nhé !

BETA - AGONISTS  LÀ CHẤT GÌ ?

Clenbuterol và salbutamol là hai chất thuộc nhóm beta-agonist có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người. Ngoài ra khi dùng các chất này cho heo ăn, thì sẽ làm cho heo nở mông, nở đùi, tăng trọng nhanh, đặc biệt là tiêu biến mỡ và tăng tỷ lệ thịt nạc.

Mặc dù thuốc salbutamol được dùng để chữa bệnh hen suyển cho người nhưng phài tuân theo liều lượng và liệu trình nghiêm ngặt của bác sỹ, vì nó sẽ trở nên độc nếu sử dụng không đúng cách. Do đó các chuyên gia đã khuyến cáo phải thận trọng đối với những người đang có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và phụ nữ  mang thai. Vì lý do đó mà các nước đã cấm sử dụng nhóm beta- agonist để làm chất kích thích tăng trọng trong chăn nuôi. Ở Việt Nam chất này đã cấm dùng từ năm 2002.

CƠ CHẾ TÁC ĐỘNG CỦA NHÓM BETA AGONIST

-Ở người: Chất Beta-agonist khi đưa vào cơ thể sẽ kích hoạt các thụ thể beta-adrenergic à dẫn đến giãn nở cơ trơn trong phổi à từ đó làm giãn nở và mở rộng đường hô hấp.

Thụ thể beta-adrenergic gắn với một protein G kích thích của adenylyl cyclase. Enzyme này sẽ tạo ra một thông tín viên thứ hai là AMP vòng. Trong phổi, AMP vòng vừa làm giảm nồng độ canxi trong tế bào vừa kích hoạt  protein kinase A. Cả hai điều này sẽ làm bất hoạt myosin kinase nhưng đồng thời hoạt hóa myosin phosphatase. Ngoài ra, chất beta-agonist hoạt hóa và mở rộng kênh canxi và kali từ đó làm giãn nở tế bào cơ trơn đường hô hấp. Sự kết hợp của việc giảm canxi nội bào, sự gia tăng kali màng dẫn điện, và giảm hoạt hóa của myosin kinase dẫn đến giãn cơ trơn và giãn nở phế quản phổi à làm cho người bệnh hen suyển dễ thở hơn. 

-Ở gia súc: Ngoài cơ chế tác động như vừa nêu trên, còn có tác động làm tăng độ lớn của sợi cơ và tiêu biến mỡ ở gia súc theo cơ chế sau:

+Khi beta-agonist kết dính vào các thụ thể beta-adrenergic trên tế bào mỡ, chúng sẽ làm hoạt hóa một số enzyme, từ đó làm giảm sự tổng hợp và tích lũy mô mỡ bên trong tế bào. Ngoài ra nó còn huy động mô mỡ trong tế bào để phân giải mỡ  nhằm cung cấp năng lượng cho cơ thể à đưa đến kết quả là tỷ lệ mỡ tích lũy trong cơ thể gia súc rất ít.

+Đối với mô cơ cũng có chứa thụ thể beta-adrenergic ở trên bề mặt của nó. Sự tương tác của beta-agonist với thụ thể beta-adrenergic sẽ làm gia tăng tổng hợp của axit ribonucleic (ARN), từ đó làm gia tăng tổng hợp protein trong tế bào à Kết quả là làm gia tăng kích thước của tế bào cơ.

Sự tăng trưởng xảy ra bằng cách gia tăng chiều dài và độ lớn của sợi cơ một cách nhanh chóng (siêu nạc) chứ không gia tăng số lượng tế bào. Tuy nhiên sự gia tăng nầy là có hạn theo thời gian và không thể sử dụng kéo dài được vì sẽ làm cho thú chết. 

ẢNH HƯỞNG CỦA  NHÓM BETA – AGONIST TRÊN NGƯỜI

-Do chất cấm dùng để kích thích tăng trọng được sử dụng với liều cao hơn rất nhiều lần so với liều điều trị ở người nên hàm lượng tồn dư trong súc sản là khá lớn. Khi người ăn phải thịt gia súc có chứa nhóm beta-agonist về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như tim đập nhanh, tăng huyết áp, nhức đầu, tay chân run, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa. Do nhóm beta-agonist còn gây giãn nở cơ trơn tử cung nên nguy cơ cao đối với phụ nữ mang thai.

-Năm 2006, Đại học Cornell và Đại học Stanford nghiên cứu trên những người thường xuyên hít beta-agonist có nguy cơ tử vong do bệnh hô hấp tăng gấp đôi so với nhóm dùng giả dược khi sử dụng để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. 

TẠI SAO BIẾT LÀ CHẤT CẤM MÀ MỘT SỐ NGƯỜI CHĂN NUÔI VẪN DÙNG ?

Câu chuyện dùng chất cấm trong chăn nuôi tuy không mới, đã bị cấm 13  năm nay rồi. Nhưng  một số người chăn nuôi và thương lái vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy một số người nuôi heo vẫn lén lút sử dụng. Vì sử dụng chất tạo nạc sẽ giúp heo tăng trọng nhanh hơn 25%, heo ít mỡ, nhiều nạc và màu sắc thịt đỏ tươi nên được người sử dụng và các công ty chế biến ưa dùng.

Theo Chi cục Thú y Đồng Nai - cho biết: “Trước đây chỉ phát hiện những trường hợp sử dụng chất cấm thường rơi vào các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng lần này thì có cả nhiều trang trại sử dụng”. Cũng theo thông tin báo chí trích dẫn  từ một thương lái heo tại Biên Hòa, “thì việc sử dụng chất cấm để tạo nạc trong chăn nuôi vừa bởi người dân ham lợi nhuận cao ngoài ra còn do một số thương lái ép họ phải làm như vậy. Thương lái móc nối, đưa chất cấm cho trang trại trộn vào thức ăn và hứa mua  heo hơi với giá cao hơn”, nếu không thì họ sẽ không mua heo.

CÁCH NHẬN BIẾT THỊT HEO CÓ CHO ĂN CHẤT CẤM

Khi nuôi heo với chất cấm beta-agonist thì thịt heo rất ít mỡ, phần nạc gần sát tới da. Thịt có màu đỏ tươi như thịt bò. Mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, độ săn chắc kém, sợi thịt thô và lớn trong khi đó thịt heo bình thường có màu hồng tự nhiên, sớ thịt min và lớp mỡ dày hơn.

Thịt heo có dùng chất cấm khi nấu chín có màu sẩm đen, ăn có cảm giác thô dai, không có vị thơm ngon và độ ngọt của thịt 

Thịt heo nuôi với chất cấm (mỡ ít), Thịt heo bình thường (lớp mỡ dày)

GIAI  PHÁP NÀO ĐỂ NGƯỜI CHĂN NUÔI KHÔNG CÒN SỬ DỤNG CHẤT CẤM

1.Về giống heo: Chúng ta không nên nhầm lẫn việc tăng nạc do dùng chất cấm với các giống heo siêu nạc tự nhiên. Vì vậy người chăn nuôi nên chọn mua các giống heo siêu nạc để nuôi thì sẽ có được những đàn heo thịt nhiều nạc và ít mỡ.

2.Thức ăn dinh dưỡng: Cho heo ăn thức ăn đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các axit amin, vitamin và chất khoáng… sẽ giúp heo mau lớn và nhiều nạc. Người chăn nuôi và kể cả những người thực thi việc kiểm tra chất lượng thuốc thú y  xin đừng nhầm lẫn chất cấm thuộc nhóm beta-agonist với các nhóm thức ăn bổ sung được phép sử dụng như vitamin premix và chất tạo nạc tự nhiên như chromium (BIO-CHROMIX)

3.Phòng bệnh tốt: Sẽ giúp heo ít bệnh, mau lớn, chất lượng thịt cũng tốt hơn. Nếu cần thiết phải sử dụng thuốc thú y thì nên tuân thủ theo đúng thời gian ngưng thuốc có ghi trên bao bì trước khi xuất bán.

4.Cơ quan thú y địa phương: Nên tổ chức các buổi tập huấn cho 3 đối tượng chủ chốt đó là (1) người chăn nuôi, (2) những  thương lái thu mua heo và (3) các người giết mổ heo để hiểu rõ về những pháp lệnh trong lãnh vực chăn nuôi thú y cũng như hiểu về tác hại cho bản thân và xã hội của việc sử dụng chất cấm để kích thích tăng trọng hoặc sử dụng thuốc an thần trước khi giết mổ. Những người này phải làm cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mặt khác phải đột xuất kiểm tra thường xuyên  để kịp thời phát hiện nhưng người không tuân thủ theo cam kết.

Qua những phân tích vừa nêu, hy vọng người tiêu dùng khi ra chợ sẽ chọn được  những miếng thịt ngon và sạch. Chúng tôi rất mong người tiêu dùng đừng quay lưng với thịt heo nội địa vì không phải tất cả thịt heo bán trên thị trường đều dùng chất cấm mà chỉ một số ít thôi để cho ngành chăn nuôi nước nhà không ngừng phát triển. 

PGS.TS.LÊ VĂN THỌ

Cố vấn kỹ thuật công ty liên doanh BIO-PHARMACHEMIE

 

Các tin khác